Xuất phát từ nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thuộc các huyện thị phía Đông Nam của tỉnh, đồng thời để tạo nguồn đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các vùng này; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã đề xuất, xin phê duyệt và đã xây dựng một trường THPT Dân tộc Nội trú đặt tại thị xã An Khê.
Trường có tên gọi: "Trường trung học phổ thông Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai" được thành lập theo Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 do Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định thành lập và đã đi vào hoạt động đến năm học 2022-2023 là năm học thứ 9. Là loại hình trường công lập chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.
Với diện tích 34,159,6m2, được sự quan tâm của các cấp ngành nhất là của Sở Giáo dục và Đào tạo đến nay cơ sở vật chất nhà trường được trang bị đầy đủ, đáp ứng Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường THPT, bao gồm Khối hành chính quản trị, Khối phòng học tập được cơ cấu đầy đủ các phòng học bộ môn, Phòng đa chức năng đảm bảo các điều kiện hạ tầng số, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Những hạng mục thuộc hệ thống Ký túc xá, sân chơi, bãi tập và Khối phục vụ sinh hoạt cho học sinh Nội trú được trang bị đầy đủ đáp ứng nhiệm vụ nuôi dạy và thực hiện các hoạt động giáo dục khác như giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng hoạt động xã hội phù hợp với học sinh PTDTNT, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.
Hội đồng sư phạm nhà trường có 51 thành viên trong đó 04 cán bộ quản lý, thầy Hà Hữu Phúc, bí thư Chi bộ, hiệu trưởng nhà trường từ ngày đầu thành lập năm học 2024-2015 đến nay. Có 31 giáo viên và 16 nhân viên; 04 tổ chuyên môn gồm: Tổ Toán -Tin; Tổ Văn -Sử -Địa; Tổ Lý -Hoá -Sinh và Tổ Anh văn- Giáo dục Công dân – Quốc phòng -Thể dục; 01 Tổ Văn phòng. Ngoài ra trường thành lập 01 tổ Quản trị và Đời sống và 01 Tổ tư vấn và giáo dục kỹ năng sống nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của trường THPT DTNT.
100% cán bộ, giáo viên được đào tạo chuẩn theo quy định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có 15 giáo viên trên chuẩn ( thạc sỹ) và có 03 giáo viên đang theo học cao học.
Tổng số học sinh của Trường hằng năm là 445 em, tuyển sinh đúng đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện thị vùng phía Đông Nam tỉnh Gia Lai gồm: thị xã An Khê và Ayunpa, các huyện KBang, ĐăkPơ, IaPa, MangYang và Kông Chro.
Phương châm hàng đầu làm động lực cho học sinh phát triển, cũng như xác định các giá trị cốt lõi đối với học sinh dân tộc nội trú là: Tự học, Tự lập, Tự quyết định, có trách nhiệm trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số, xây dựng Trường THPT DTNT Đông Gia Lai là một địa chỉ tái hiện những nét văn hoá cơ bản của 02 dân tộc Banah và Jrai, chiếm 90% tổng số học sinh của Trường.
Thực hiện Kế hoạch chiến lược nhà trường, tuy mới thành lập và còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc nhưng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao và đáng ghi nhận. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm liền đạt 100%, tỷ lệ học sinh đỗ Đại học nguyện vọng 1 cũng khá cao, tỷ lệ học sinh theo học đại học, cao đẳng tăng lên hằng năm, năm học 2021-2022 là 68,8%, nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường và góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục dân tộc, thắp sáng ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số của Tỉnh.
Năm học 2016-2017,Trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc , toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục-đào tạo, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2016-2017 tỉnh Gia Lai. Trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai chứng nhận theo Quyết định số 709/QĐ-SGDĐT, ngày 11/11/2020; được công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 do Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai công nhận theo Quyết định số 1114/QĐ-UBND, ngày 26/11/2020.
Trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với những khó khăn, thách thức phía trước, nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường đang nỗ lực phấn đấu, tiếp tục hoàn thiện các điều kiện và tập trung nâng cao chất lượng nuôi, dạy, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2025 nhà trường được đổi mới căn bản và toàn diện, đưa nhà trường phát triển lên một tầm cao mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh nhà nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 07 huyện thị phía Đông Nam tỉnh Gia Lai nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PHÓ HIỆU TRƯỞNG
Văn Thị Thu Vân